Thủ tục khai tử cho người đã chết từ lâu
Thủ tục khai tử cho người đã chết từ lâu là thủ tục được rất nhiều người quan tâm vì liên quan đến những thủ tục về thừa kế đất đai. Tại Khoản 2 Điều 30 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định cá nhân chết phải được khai tử và việc khai tử do pháp luật về hộ tịch quy định. Vậy những người đã chết từ lâu, việc khai tử được tiến hành như thế nào?
1. Căn cứ để tiến hành thủ tục khai tử cho người đã chết từ lâu?
Theo Khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ/CP, việc khai tử phải căn cứ theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp:
- Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ cở y tế cấp Giấy báo tử;
- Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử;
- Đối với người bị tòa án tuyên bố là đã chết thì bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay giấy báo tử;
- Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, hay bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y thay giấy báo tử;
- Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp trên thì ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử.
Ngoài ra, theo điều 13 thông tư 04/2020/TT-BTP, trường hợp đăng ký khai tử cho người chết đã lâu, không có Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP thì người yêu cầu đăng ký khai tử phải cung cấp được giấy tờ, tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết.
Mặc dù không quy định rõ nhưng có thể hiểu các giấy tờ, tài liệu, chứng cứ này gồm:
- Hồ sơ, lý lịch cá nhân đi học, đi làm do cơ quan, đơn vị nơi học tập, công tác quản lý, xác nhận, có ghi nhận thông tin có liên quan đến việc tử vong;
- Biên bản xác minh tai nạn, Giấy chứng nhận mai táng, Hợp đồng hỏa táng, văn bản xác nhận của chính quyền, Công an địa phương, Gia phả dòng họ, giấy tờ tùy thân của người chết (nếu có);
- Ảnh bia, mộ người chết;
- Văn bản xác nhận của người làm chứng về các thông tin liên quan đến người chết, sự kiện chết…
- Ủy ban nhân dân cấp xã cần xác minh các căn cứ, chứng cứ có liên quan đến việc người dân cung cấp thông tin để làm cơ sở cho việc cấp Giấy báo tử theo đúng quy định và làm thủ tục đăng ký khai tử theo quy định.
Trường hợp người yêu cầu đăng ký khai tử không có giấy tờ, tài liệu, chứng cứ chứng minh theo quy định hoặc giấy tờ tài liệu, chứng cứ không hợp lệ, không đảm bảo giá trị chứng minh thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối đăng ký khai tử.
2. Thủ tục khai tử cho người đã chết từ lâu
Căn cứ Mục 7 Luật Hộ tịch 2014, khoản 2 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Điều 13 Thông tư 04/2020/TT-BTP, thủ tục khai tử cho người đã chết từ lâu tiến hành như sau:
Bước 1 : Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ đăng ký khai tử gồm:
- Tờ khai đăng ký khai tử;
- Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay thế Giấy báo tử hoặc giấy tờ tài liệu, chứng cứ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc xác nhận hợp lệ chứng minh sự kiện chết.
- Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền thực hiện việc đăng ký khai tử.
- Nếu người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người uỷ quyền ( Điều 2 Thông tư 04/2020/TT-BTP).
- Người đi đăng ký khai tử phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu hoặc các giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng để chứng minh về nhân thân của người có yêu cầu đăng ký khai tử;
- Giấy tờ chứng minh nơi cư trú cuối cùng của người chết để xác định thẩm quyền khai tử (trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc chưa hoàn thiện).
Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì xuất trình giấy tờ chứng minh nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể của người chết.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Hồ sơ nộp tại ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết.
Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
Người tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình.
>>>Xem thêm: Trình tự thủ tục tuyên bố một người mất tích
Bước 3: Giải quyết khai tử
Ngay sau khi nhận giấy tờ, nếu thấy việc khai tử đúng, Công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người khai tử.
Công chức tư pháp – hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
Nếu khai tử đúng hạn, người dân sẽ không phải nộp lệ phí. Trường hợp khai tử quá hạn, mức lệ phí do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định( Điều 3 Thông tư 85/2019/TT – BTC).
Trên đây là những tìm hiểu về thủ tục khai tử cho người đã chết từ lâu của Công ty Luật FBLAW gửi đến bạn đọc cùng tham khảo. Để được tư vấn và hỗ trợ thủ tục liên quan đến khai tử cho người đã chết từ lâu nhằm tiến hành các công việc liên quan đến thỏa thuận phân chia tài sản…Hãy liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ dưới đây:
- Hotline: 038.595.3737
- Email: luatsu@fblaw.vn
- Fanpage: Công ty Luật FBLAW
- Địa chỉ: 45 Đàm Văn Lễ, phường Trường Thi, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Bài viết Thủ tục khai tử cho người đã chết từ lâu đã xuất hiện đầu tiên vào ngày FBLAW.
source https://fblaw.vn/thu-tuc-khai-tu-cho-nguoi-da-chet-tu-lau/
Nhận xét
Đăng nhận xét